Các điểm thăm quan du lịch tại Tuyên Quang
  • Đây Là phòng Suite của Khách sạn Panorama
  • Đây Là phòng Suite của Khách sạn Panorama,
Monday, 07/22/2013 - 14:32

Các điểm thăm quan du lịch tại Tuyên Quang

Trong cách mạng Tháng Tám, Tuyên Quang vinh dự là Thủ đô Khu giải phóng, được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm trung tâm của cách mạng cả nước. Tại Tân Trào-Sơn Dương-Tuyên Quang đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với vận mệnh dân tộc: Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định chủ trương lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và cử ra Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc; Quốc dân Đại hội họp tại đình Tân Trào thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch.

Du lịch Tuyên Quang
Trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang là Thủ đô Kháng chiến, nơi đồng bào cả nước " trông về Việt bắc mà nuôi chí bền"; nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã luôn luôn làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng: Xây dựng, bảo vệ An toàn khu (ATK); bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận cùng nhiều bộ, ban, ngành Trung ương; bảo vệ các cơ quan đầu não của Cách mạng Lào. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đóng góp phần quan trọng, to lớn vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, lập nhiều chiến công vang dội trên chiến trường, đập tan các cuộc tấn công lên Việt Bắc của giặc Pháp. Bình Ca, Cầu Cả, Khe Lau..., là những địa danh lịch sử làm rạng rỡ tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí, sáng tạo của quân, dân Tuyên Quang trong chiến dịch Việt Bắc (Thu-Đông 1947).

Tại Tuyên Quang, nhiều hội nghị quan trọng của Trung ương Đảng, Chính phủ được triệu tập. Đặc biệt, Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ II (họp tại Kim Bình, Chiêm Hoá từ ngày 11 đến ngày 19 tháng 2 năm 1951), là Đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước. Đại hội đã bổ sung, hoàn chỉnh đường lối kháng chiến, kiến quốc, đề ra nhiệm vụ xây dựng Đảng Lao động Việt Nam vững mạnh, quyết định những chủ trương, biện pháp đưa cuộc kháng chiến trường kỳ, oanh liệt của dân tộc ta đến thắng lợi. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang tiếp tục xây dựng hậu phương vững mạnh, làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Truyền thống yêu nước, đoàn kết, cách mạng, tinh thần đấu tranh anh dũng của lớp lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã để lại những bài học quý giá, những tấm gương sáng ngời cho các thế hệ mai sau học tập, noi theo.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh của địa phương, chủ động hội nhập kinh tế, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, tranh thủ sự đóng góp, giúp đỡ của Trung ương và các bộ, ngành, các địa phương trong cả nước và các tổ chức quốc tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành một tỉnh phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Di tích lịch sử Tuyên Quang


Tân Trào là xã nằm ở đông bắc huyện Sơn Dương, gắn liền với tên tuổi sự nghiệp vị lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới, Hồ Chí Minh. Đến nay Tân Trào có trên 17 di tích. Nơi đây đã ghi lại những sự kiện lịch sử hào hùng của ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Những di tích chính của Tân Trào gồm: Lán Nà Lừa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái… Cùng với những di tích lịch sử ghi dấu ấn cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta suốt 9 năm trường kỳ. Khu di tích văn hóa- lịch sử và sinh thái Quốc gia Tân Trào là tâm điểm của những chuyến du lịch về nguồn.

1. Lán Nà Lừa

Là nơi Bác Hồ ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8 năm 1945 để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Lán được dựng bằng tre theo kiểu nhà sàn. Ngày mùng 4 tháng 6 năm 1945, tại nơi đây, Bác Hồ đã triệu tập Hội nghị cán bộ để chuẩn bị thành lập “Khu giải phóng, Quân giải phóng”, tiến tới Quốc dân Đại Hội, Tổng khởi nghĩa. Hiện tại lán vẫn được bảo tồn và là điểm du lịch hấp dẫn du khách thăm quan.

2. Cây Đa Tân Trào

Dưới bóng cây Đa của làng Tân Lập, chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 Đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân Lệnh số 1 và ngay sau đó quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội.
 

Cây đa tân trào
 

3. Đình Tân Trào

Là một ngôi đình thờ Thành Hoàng và các vị thần sông, thần núi của làng Tân Lập. Đình được dựng vào năm Quý Hợi (1923) theo kiểu nhà sàn, cột gỗ 3 gian 2 chái, mái lợp lá cọ, Dưới mái đình này, ngày 16 tháng 8 năm 1945, các Đại biểu trên khắp mọi miền Tổ quốc đã về họp Quốc dân Đại hội. Tại đây, các Đại biểu đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, quy định quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Uỷ ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945 thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Bác Hồ đã đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt Quốc dân tại nơi đây.

4. Đình Hồng Thái (đình Kim Trận)

Đình thuộc địa phận làng Kim Trận (nay là thôn Cả), xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Đình cất dựng năm 1919, có kiến trúc thuần gỗ, mái lợp lá cọ, đình gồm 3 gian 2 chái, dáng dấp nhà sàn miền núi. Đình Hồng Thái cũng như ngôi đình của Việt Nam với chức năng tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng, thần Sông, thần Núi và các vị thần xung quanh vùng. Ngoài ra, đình còn thờ một vị nhân thần là Ngọc Dung Công Chúa. Hơn nữa, đình còn là nơi sinh hoạt văn hoá, hội họp của làng. Hàng năm dân làng tổ chức nhiều lễ cúng bái tại đình, các ngày lễ dựa vào mùa vụ trong năm. Ngày lễ lớn nhất là ngày mùng 3 tháng Giêng âm lịch, trong ngày lễ này, đồng bào tổ chức nghi lễ rước Công chúa Ngọc Dung; phần hội có nhiều trò chơi hấp dẫn như hát then, hát cọi, các trò chơi dân gian… Ngoài giá trị về mặt văn hoá tín ngưỡng thì ngôi đình còn có giá trị về mặt lịch sử. Bởi đây là nơi dừng chân đầu tiên của vị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi người từ Pắc Bó, Cao Bằng đến với căn cứ địa Cách mạng Tân Trào ngày 21/5/1945.
 
Đình Hồng Thái
Đình Hồng Thái

5. Hang Bòng

Là nơi ở và làm việc của Bác Hồ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hang nằm ở trên lưng chừng núi Bòng, dưới chân núi là dòng sông Phó Đáy uốn khúc ôm lấy bên hữu dãy núi. Chính tại đây Bác Hồ đã chỉ đạo chiến dịch Biên giới 1950 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II vào năm 1951.

6. Ngôi nhà của ông Nguyễn Tiến Sự

Ông Nguyễn Tiến Sự - Chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long (nay là làng Tân Lập). Ngôi nhà ở vị trí giữa làng Tân Lập, xã Tân Trào. Đây là nơi đã từng gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ khi Người từ Pắc Bó, Cao Bằng về Tân Trào từ ngày 21/5/1945. Bác ở đây trước khi rời lên lán Nà Lừa. Hàng ngày Bác Hồ dậy từ 5 giờ sáng, tập thể dục rồi làm việc. Giờ nghỉ, Bác Hồ rất quan tâm đến thăm hỏi mọi người trong nhà, trong làng. Bác mua bút, vở tặng con ông Sự, khuyến khích ông cho con đi học. Bác còn dành thời gian đi thăm đồng, tự tay đắp bờ ruộng để giữ nước, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ quân Giải phóng, với bà con, chị em phụ nữ. Đến nay, ngôi nhà không chỉ là một di tích lịch sử Cách mạng mà còn có giá trị kiến trúc nhà sàn truyền thống tiêu biểu của dân tộc Tày ở Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

7. Khu di tích Nhà ở và Hầm an toàn của đồng chí Tôn Đức Thắng

Khu di tích nằm ở thôn Chi Liền (nay là thôn Đồng Ma), xã Trung Yên, huyện Sơn Dương. Nơi đồng chí Tôn Đức Thắng quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt sinh hoạt và làm việc từ cuối năm 1952 đến năm 1954. Ngôi nhà nằm bên cạnh dòng sông Phó Đáy, xung quanh cây cối um tùm tươi tốt, giúp cho việc đưa thông tin liên lạc bí mật giữa các nơi trong vùng thuận lợi. Đây là ngôi nhà sàn bằng gỗ, có 2 gian ngăn dọc, mái lợp lá cọ. Gian ngoài của nhà là nơi làm việc và tiếp khách; gian trong là nơi Bác nghỉ ngơi. Sát nhà ở của Bác Tôn là Hầm an toàn được đào sâu vào sườn núi Chi Liền khoảng 10m, đào sang ngang 10m, có 2 cửa thông 2 chiều. Đây là 2 di tích tiêu biểu trong những di tích lịch sử cách mạng đã từng gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng tại Tuyên Quang trong thời kỳ gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Khu di tích Kim Quan cách thị xã Tuyên Quang hơn 40 km về phía đông, trải rộng trong khu rừng Nà Lơi và Vực Nhù, thôn Khuôn Điền, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn. Dòng sông Phó Đáy bao bọc khu rừng vừa thuận tiện giao thông, sinh hoạt vừa đảm bảo bí mật. Khu văn phòng Trung ương Đảng cách Văn phòng Chính phủ 200m về phía Đông Bắc. Ở đây, có hội trường, nhà đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh, nhà đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương và các bộ phận của Văn phòng Trung ương: điện đài, văn thư, thư viện, bộ đội bảo vệ. Địa điểm Vực Nhù nơi Bác ở và làm việc. Nhà của Bác là nhà sàn dựng trên sườn núi. Cách nhà sàn không xa là hầm trú ẩn. Nhà nối với hầm bằng đường hào chữ chi. Toàn bộ nhà làm việc, nhà ở, hội trường đều bằng gỗ, tre, nứa, lá… các hầm trú ẩn đều đào sâu trong lòng núi, được lát gỗ cả bốn mặt. Riêng căn hầm khu văn phòng Trung ương Đảng có một đoạn lộ thiên ở phần ngoài, phần này có ụ đất cao, tạo lối vào hầm hình chữ chi. Kim Quan còn là nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ tiếp khách quốc tế. Cũng từ đây Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng đi dự hội nghị Giơ- ne- vơ. Khu di tích đã đựơc Bộ Văn hoá- Thông tin xếp hạng là di tích Quốc gia.

8. Điểm du lịch văn hoá- lịch sử và sinh thái Nha Công an

Thuộc xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, nằm trong quần thể Khu di tích Cách mạng Tân Trào; được tu bổ tôn tạo, khánh thành vào dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam (19/ 8/1945- 19/8/2000) Từ tháng 4/1947 đến tháng 9/1950, nơi đây là trụ sở của Nha Công an Trung ương và các đơn vị làm nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, diễn ra nhiều sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào thắng lợi của cuộc Kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược


Các điểm du lịch ở Tuyên Quang

Thác Mơ

Vị trí: Thác mơ thuộc thị trấn Nà Hang, huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hang, cách thị xã Tuyên Quang khoảng 100km.
Đặc điểm: Thác nước hùng vĩ phối hợp với khung cảnh núi rừng trùng điệp đang chờ đón những du khách ưa phiêu lưu, mạo hiểm.

Đường vào thác Mơ tương đối thuận tiện. Từ xa đã nghe thấy tiếng nước đổ ào ào. Càng đến gần thác, khí hậu càng lạnh. Tới thác, du khách dường như đang bước vào chốn bồng lai tiên cảnh. Thác ẩn dưới chân ngọn núi mà dưới đó là một hồ nước trong veo. Du khách sẽ lên một con xuồng nhỏ để tới thác. Ngồi trên xuồng, du khách được dịp thư giãn, thoả sức ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên "núi ôm mây, mây ấp núi".

Một khối nước bạc khổng lồ sẽ hiện ra trước mắt du khách. Thác gồm có 3 tầng, muốn lên tầng thác thứ 2, du khách phải leo khoảng hơn 10m thang dây. Tại chân tầng thác thứ 2 có một hồ nước nhỏ, trong vắt. Lên tầng này, du khách được đắm mình trong khung cảnh kỳ vĩ với những hang động nhũ đá lung linh huyền ảo. Tại tầng thác này nước chảy êm ả hơn, luồn qua những kẽ đá, trên những khối đá to rêu phủ xanh rì trông như những tấm thảm nhung. Bám tiếp thang dây, du khách sẽ tới đỉnh tầng thứ 3 của thác.

Nước từ trên cao đổ xuống ào ào như một màng nước khổng lồ. Hơi nước toát ra lành lạnh đã xua tan mệt mỏi, tạo cho du khách niềm cảm hứng mới khi đứng trên đỉnh ngọn thác hùng vĩ này để chiêm ngưỡng toàn cảnh thị trấn Nà Hang với 99 ngọn núi trùng điệp bao quanh. Nếu thích, xin mời du khách tiếp tục tản bộ vào khu rừng nguyên sinh để khám phá những điều kỳ diệu ở nơi đây. Tiếng thác nước ào ào, tiếng chim kêu vượn hú, ánh nắng bàng bạc xụyên qua tán lá rừng rậm rạp khiến cho du khách như được sống lại thời tiền sử.

Thác Mơ, một điểm du lịch sinh thái lý tưởng của Tuyên Quang đang chờ đón du khách ưa phiêu lưu, mạo hiểm.


Suối khoáng Mỹ Lâm

Vị trí: Suối khoáng Mỹ Lâm thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm thị xã Tuyên Quang 13km về phía đông nam.
Đặc điểm: Mỹ Lâm có nguồn nước khoáng ngầm rất hữu hiệu cho việc chữa bệnh, có cả dịch vụ tắm nước khoáng và tắm bùn rất được du khách ưa thích.

Từ thị xã Tuyên Quang 13km về phía đông nam, con đường quanh co uốn lượn bên sườn núi dẫn vào khu nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm thật bình yên, thơ mộng. Du khách có dịp đến Tuyên Quang đều mong muốn được một lần đến suối khoáng Mỹ Lâm để đắm mình trong làn nước trong trẻo, ấm áp mà thiên nhiên ban tặng.

Suối khoáng Mỹ Lâm có nguồn nước khoáng sunfua ngầm trong lòng đất, được phát hiện từ thập niên 60. Năm 1965, khu nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm được xây dựng trên ngọn đồi thoai thoải nơi có dòng suối Mỹ Lâm chảy qua thật hữu hiệu cho việc chữa bệnh.

Hiện nay, khu nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm mở rộng phục vụ du khách tắm nước khoáng và tắm bùn; du khách sẽ cảm nhận được rằng thiên nhiên thật ưu ái con người khi ngâm mình trong bồn tắm ngập tràn nước khoáng ấm áp và được ngắm nhìn những khóm hoa rực rỡ đang khoe hương sắc trong ánh ban mai. Nước tắm luôn điều hòa và giữ ấm ở nhiệt độ 40 - 42oC luôn mang đến cho cơ thể du khách cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Tắm và ngâm bùn khoáng sunfua đã chữa khỏi bệnh đau khớp, đau dây thần kinh, mang lại niềm vui và sức khỏe cho biết bao người bệnh.

Du khách trong và ngoài nước đến suối khoáng Mỹ Lâm không những cảm thấy sảng khoái, thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng khi được tắm, ngâm nước khoáng nóng, bùn khoáng mà còn thích thú với phong cảnh thiên nhiên yên ả và những con người hiền hậu, mến khách nơi đây.Du khách cũng đặc biệt thích thú khi thưởng thức hương vị ngọt ngào, thơm dịu của lúa nếp nương cùng vị đậm đà của vừng đen trong những ống cơm lam.

Vài năm trở lại đây, suối khoáng Mỹ Lâm đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với du khách.


Khu du lịch sinh thái Nà Hang

Vị trí: Khu du lịch sinh thái Nà Hang thuộc huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm thị xã Tuyên Quang 105km về phía bắc.

Đặc điểm: Khu du lịch sinh thái Nà Hang là một điểm đến lý tưởng cho những du khách ưa mạo hiểm, thích khám phá những hang động kỳ thú, những khu rừng nguyên sinh.

Diện tích 15.000ha trong đó diện tích mặt nước là 8.000ha tại 12 xã thị trấn và vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, Nà Hang nơi có những cánh rừng nguyên sinh, dòng sông con suối và những thác nước tuyệt đẹp mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nơi đây. Dòng sông Gâm, sông Năng, những đỉnh núi cao Khuổi Tong, Loong Noòng, Bản Luốc, Pịa, Pắc Tạ... đã từng đi vào thơ, vào nhạc, gắn với các câu chuyện huyền thoại đậm tính nhân văn.

Khu bảo tồn đặc dụng Tác Kẻ - Bản Bung, rộng gần 42km², ôm gọn trong lòng cả 5 xã: Côn Lôn, Khau Tinh, Sơn Phú, Vĩnh Yên, Thanh Tương, với hàng nghìn loài thực vật, động vật quý hiếm. Đặc biệt là loài voọc mũi hếch được ghi trong sách đỏ thế giới.

Ngoài ra, Nà Hang còn rất phong phú bởi nét văn hóa dân tộc, các bản làng với những nếp nhà sàn bằng gỗ, mái lợp lá cọ, đồng bào dân tộc còn lưu giữ được các lễ hội mang đậm bản sắc như: lễ hội Lồng Tồng, mừng lúa mới, lễ cấp sắc. Vào mùa xuân không gian tràn ngập màu sắc của thổ cẩm và tiếng khèn Mèo, tiếng đàn tính.

Click để xem thêm: khách sạn tại Sa Pa

Hỗ trợ khách hàng

Mr Thai   Qui Nguyen Skype
Đặt Tour Trợ giúp khách hàng Skype
Hotline: 0964 267 569
Cố Định: 02143 771 535

Kiểm tra giá và phòng trống

calendar