Du lịch ẩm thực Bắc Ninh
  • Đây Là phòng Suite của Khách sạn Panorama
  • Đây Là phòng Suite của Khách sạn Panorama,
Monday, 07/22/2013 - 14:38

Du lịch ẩm thực Bắc Ninh

Bắc Ninh là tỉnh nằm trong vùng châu thổ Sông Hồng, thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang; Phía Đông và Đông Nam giáp với tỉnh Hải Dương; Phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên; Phía Tây giáp thành phố Hà Nội. Thành phố Bắc Ninh cách Hà Nội hơn 30km, Bắc Giang 20km, theo quốc lộ 1A. Bắc Ninh là trung tâm văn hóa, ẩm thực của người Việt vùng kinh Bắc xưa. Nơi đây nổi tiếng với rất nhiều món ăn ẩm thực. Hãy cùng khám phá!

Quan họ Bắc Ninh
Bánh tẻ làng Chờ

Những ngày lễ tết ở vùng Yên Phong đã đành, nay thì ở hội Lim (Tiên Du), hội Đền Đô (Từ Sơn)... các nhà hàng khách sạn ở Bắc Ninh, Hà Nội rồi đến những ngày khánh thành, lễ cưới sang trọng đều thấy có bánh tẻ làng Chờ. Đang lúc rượu ngà ngà các món cao lương ngũ vị cũng đã ngán cả rồi thì thứ bánh tẻ quê mùa vừa dẻo vừa dai, vừa giòn vừa thơm, vừa thanh vừa mát làm cho người thêm tỉnh táo, lại chắc cái dạ thì thật là tuyệt

Ẩm thực Bắc Ninh

Gọi là bánh tẻ làng Chờ là cách gọi dân dã cho dễ nhớ dễ thuộc. Phương ngôn có câu:  Ba làng Mịn, bảy làng Chờ Một làng Ô Cách chơ vơ giữa đồng.

Chờ là tên gọi chung của 7 làng: Phú Mẫn, Nghiêm Xá, Trung Bạn, Ngân Cầu (thị trấn Chờ), Ngô Nội, Tiên Trà, Phù Lưu (xã Trung Nghĩa) thuộc tổng Chờ xưa, kết nghĩa với nhau tổ chức ngày hội “thất thôn giao liệt” từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 3 âm lịch hàng năm. Bánh tẻ ngon nhất lại là của các làng Chờ: Ngô Nội, Tiên Trà, Phù Lưu, Nghiêm Xá. Có lẽ đây là những làng nhiều đồng chiêm cấy được những giống lúa có gạo thơm ngon.

Trầu têm cánh phượng

Miếng trầu gợi về những sự tích, những câu chuyện cổ, được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, mang đậm bản sắc dân tộc. Truyện Trầu cau, qua truyền miệng thêm bớt của nhiều thế hệ, những tình tiết “nguyên thủy” đã được khoác cái áo của lễ giáo cho phù hợp với đạo Khổng-Mạnh. Đến nay, chủ đề của Trầu cau lại trở thành câu chuyện luân lý, đạo đức, khuyên con người xích lại gần nhau hơn, vị tha hơn để sống chan hòa, nhân ái trong cuộc sống hội nhập.

Ẩm thực Bắc Ninh

Câu chuyện Trầu cau khép lại bằng tục ăn trầu-một phong tục truyền thống của nhân dân ta để tô đậm tình cảm sắt son, thủy chung đẹp đẽ. Miếng trầu bao giờ “cũng là đầu câu chuyện” để bắt mối lương duyên và những khi có lễ nhỏ, lễ lớn, cưới xin, hội hè, ma chay... đều không thể thiếu miếng trầu. Vì thế mà truyện Trầu cau đã bất chấp thời gian mà sống mãi với nhân gian.

Trầu là món ăn không giải quyết việc đói, no. Người ta ăn trầu là để thưởng thức vị cay thơm của lá trầu không, vị chát của vỏ, vị ngọt bùi của cau, vị nồng nàn của vôi... tất cả hòa quyện với nhau trong một màu đỏ sẫm. Nhiều người ăn trầu đã thành thói quen, rồi thành nghiện-nghiện trầu. Nhưng điều kì diệu của thói nghiện trầu phải chăng là ở chỗ, người ăn thấy nó gắn bó với số phận con người; bởi tách riêng, thì cay đắng, éo le, nhưng khi đã hòa chung thì tình cảm của họ lại thắm tươi, đẹp đẽ:

“Tách riêng, thì đắng, thì cay.
Hòa chung, thì ngọt, thì say lòng người.
Tách riêng, xanh lá, bạc vôi.
Hòa chung, đỏ thắm máu người, lạ chưa?
... Chuyện tình ngày xửa, ngày xưa!...”.
(Sự tích Trầu cau-Hồng Quang)

Nói đến trầu têm cánh phượng là nói đến miếng trầu vùng Kinh Bắc. Cũng vẫn nguyên liệu ấy, nhưng cách têm đẹp, kiểu cách, đã thể hiện sự khéo léo của những liền chị-người gái quê Kinh Bắc. Vì thế, miếng trầu có sức hấp dẫn đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai, dù chỉ một lần được mời.

Hình tượng trầu têm cánh phượng của cô Tấm trong truyện Tấm Cám không chỉ còn là huyền thoại, là ảo ảnh siêu thực. Miếng trầu têm cánh phượng đã bước từ cổ tích ra ngoài cuộc sống. Rất bình dị, gần gũi, nhưng cũng không kém phần cao sang quyến rũ, vẫn tồn tại qua thời gian để thăng hoa nét đẹp truyền thống một vùng quê.

Bánh khúc làng Diềm thắm đượm tình quê quan họ

Làng Viêm Xá (TX. Bắc Ninh) không chỉ níu chân du khách gần xa bằng những làn điệu quan họ mượt mà đằm thắm của quê hương thuỷ tổ quan họ mà còn bởi món quà quê dân dã, mộc mạc: Bánh khúc. Không biết có phải bánh khúc tượng trưng cho tình nghĩa thuỷ chung của người Quan họ mà sao đậm đà đến vậy. Những ai đã đến làng Diềm (tên Nôm của làng Viêm Xá) nghe Quan họ và ăn bánh khúc một lần, hẳn không thể quên được món quà quê mộc mạc mà đượm tình này.

Bánh khúc làng Diềm mang trong mình mùi thơm nồng của xôi, vị bùi bùi của đậu xanh, mùi vị đặc trưng của rau Khúc. Để làm bánh khúc, ngoài rau khúc, các nguyên liệu khác cũng phải lựa chọn kỹ càng. Bột làm bánh khúc là gạo nếp và gạo tỷ với tỷ lệ 8 phần nếp, 2 phần gạo tẻ. Gạo tẻ sau khi ngâm vài tiếng đồng hồ được vo, đãi thật sạch đem giã nhuyễn cùng với lá khúc tạo nên vỏ bánh. Tỷ lệ gạo và lá để làm bánh khúc cũng là một bí quyết làm nên món bánh ngon. Vỏ bánh phải dát mỏng mà không để lộ nhân được làm theo hình tròn hoặc hình tai voi.
Ẩm thực Bắc Ninh

Bánh khúc làng Diềm có 2 loại: nhân hành và nhân đỗ. Bánh khúc nhân đỗ có vị bùi của đỗ, vị béo của thịt và vị thơm của hạt tiêu. Bánh khúc nhân hành thì có cái thơm của hành khô, hạt tiêu, răm, cộng với cái giòn mộc nhĩ, cái ngậy béo của thịt ba chỉ băm nhỏ. Sau khi làm nhân xong và bọc vỏ bánh bên ngoài, dùng gạo nếp rắc lên vỏ bánh và cho bánh lên hấp như đồ xôi. Bánh khúc ăn lúc nóng là ngon nhất có thể chấm thêm một chút muối vừng hoặc muối lạc.

Gà Hồ - Sản phẩm độc đáo về văn hóa và ẩm thực của người Kinh Bắc

Theo ông Nguyễn Đăng Chung, Hội trưởng “Hội gà Hồ” ở thôn Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, giống gà Hồ được nuôi dưỡng từ bao giờ ở địa phương này thì chẳng ai biết rõ. Người ta chỉ biết rằng, gà Hồ đã xuất hiện trong những bức tranh gà ở làng tranh dân gian Đông Hồ. Mà lịch sử xuất hiện của dòng tranh dân gian này cũng đã có mấy trăm năm nay rồi.

Dưới góc độ ẩm thực thì thịt gà Hồ là một món ăn ngon. Thịt thơm, giòn, ngọt, ăn một lần là nhớ mãi. Vì là loại gà giống to nên gà muốn ăn thịt được phải từ 2,5-3 kg trở lên. Vì thế thời gian nuôi một con gà thịt kéo dài đến 7-8 tháng. Số lượng gà được bán làm thực phẩm chưa nhiều. Hiện nay những người nuôi gà Hồ ở thôn Lạc Thổ chủ yếu là nhân giống, phát triển đàn gà là chính.
Ẩm thực Bắc Ninh

Nếu có dịp về Thuận Thành, Bắc Ninh vào ngày Xuân, bạn hãy đến với chùa Dâu, chùa Bút Tháp, lăng Kinh Dương Vương, Nam giao học tổ Sỹ Nhiếp, thăm quê nhà thơ Nguyễn Gia Thiều, làng tranh Đông Hồ và đến thôn Lạc Thổ, quê hương của thi sỹ Hoàng Cầm, nơi ấy có một sản phẩm văn hóa, ẩm thực độc đáo của người Kinh Bắc: gà Hồ.

Cơm Quan họ

Cơm Quan họ bao giờ cũng phải là “mâm đan, bát đàn” nghĩa là mâm tròn bằng gỗ, sơn đỏ, bát tiện bằng gỗ cây bạch đàn . Các món ăn bắt buộc phải có giò lụa, thịt gà, ngoài ra là các thức ăn khác tùy ý. Ăn xong mà có hát canh thì không được uống rượu. Trong bữa, khách ăn trước, chủ ngồi cạnh ca cho khách nghe. Khách xơi cơm xong, chủ mới ngồi vào mâm của mình, đến lượt khách ngồi cạnh ca cho chủ nghe.

Ẩm thực Bắc Ninh

Cháo Thái

Đình Tổ không chỉ nổi tiếng với tương mà còn được biết đến với món ăn đặc sản địa phương: cháo thái. Cháo thái cũng gắn liền với sự tích trạng nguyên Lê Văn Thịnh về thăm Đình Tổ. Vì vậy, cháo thái có mặt đời sống sinh hoạt của người dân Đình Tổ. Nó góp mặt trong những dịp lễ lớn của làng như hội đình với tục nướng cá tế thần và nấu cháo thái dâng cúng thần hoàng làng. Cháo thái còn có trong bữa cơm thường nhật của người dân địa phương.
Ẩm thực Bắc Ninh

Thưởng thức cháo thái khi còn nóng là tốt nhất, khi đó có thể cảm nhận hết cái ngon, cái ngậy, cái bùi kết tinh trong bát cháo. Khi ăn sẽ cảm nhận hương vị của cháo, độ ngọt mát của bột gạo, độ giòn của thịt gà, và giò lụa, thịt lợn băm có độ bùi, béo, vị thơm cay của hồ tiêu, vị thơm của hành tươi và nước mắm, làm cho khách cảm nhận món ăn ẩm thực “Cháo Thái” của Đình Tổ ngon và bổ dưỡng thật tuyệt vời, ăn một lần nhớ lâu mong có dịp quay trở lại để thưởng thức món ăn ẩm thực cháo thái.

Món bánh Tro

Trong không gian tĩnh lặng của Chùa Bút Tháp, du khách sẽ càng cảm nhận rõ hơn vị dẻo thơm của hạt gạo mới xen chút hương nồng nồng của nước tro rơm nếp quyện lẫn vị ngọt dịu, thanh mát của đường, mật mía và cả nét tài hoa ẩn chứa trong cách thức làm nên món bánh Tro độc đáo của người dân Đình Tổ.

Ẩm thực Bắc Ninh

Đến với Đình Tổ và thưởng thức bánh tro, du khách luôn tự hỏi rằng, phải chăng, chính bởi vị thanh mát, ngọt ngào và cả dáng hình nhỏ xinh, mềm mại của chiếc bánh Tro cổ truyền như luôn khiến người thưởng thức nhớ về vùng làng quê nơi thôn dã đầm ấm, thân thương này.

Bánh đúc lạc
Ẩm thực Bắc Ninh

Bánh đúc Đình Tổ được chấm với tương của Đình Tổ, đó là một sự kết hợp tuyệt hảo và du khách sẽ cảm nhận được độ mát của bột gạo, độ bùi, béo của lạc rang, mùi tương, tất cả quyện vào nhau, làm cho món ăn ẩm thực bánh đúc có hương vị rất quê và ngon miệng.

Tương Đình Tổ

Tương truyền nghề làm tương ở Đình Tổ có từ lâu đời gắn với truyền thuyết về vị Trạng nguyên đầu tiên của nước Đại Việt, Lê Văn Thịnh. Chuyện kể rằng khi qua Đình Tổ khi về đến làng, Ngài bị ốm thèm ăn bát cháo Thái, một khúc cá nướng chấm tương. Người dân Đình Tổ lấy mốc thời gian đó là thời gian ra đời của nghề làm tương và nấu cháo Thái.

Về cảm quan bên ngoài, tương Đình Tổ có màu đỏ nâu, đặc sánh, mùi thơm vị ngọt bùi, ngậy béo đặc trưng của gạo nếp, của ngô. Tương Đình Tổ có độ ngọt tự nhiên do quá trình lên men của ngô, của đỗ tương được ngâm trong môi trường nước chín, có độ mặn vừa đủ của muối. Tất cả tạo cho tương ăn có giá trị dinh dưỡng riêng, dùng chấm rau luộc, thịt lợn, thịt bò, cá nướng, bánh đúc, bánh tẻ, bún, dùng kho cá, kho thịt...

Bánh phu thê Đình Bảng

Bánh phu thê là một đặc sản của vùng quê Đình Bảng – Bắc Ninh. Ngày xưa, loại bánh này được xem như món quà quý và sang trọng của các gia đình giàu có, là sản vật tiến vua, thường được làm vào những dịp lễ, Tết. Theo truyền thuyết, tên bánh phu thê bắt nguồn từ sự tích vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà nhớ thương chồng đã làm bánh này để gửi cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng nên đặt tên bánh là bánh phu thê.

Ẩm thực Bắc Ninh

Cắn miếng bánh phu thê, bạn sẽ  cảm nhận được độ dẻo của nếp, chút bùi bùi của đậu xanh, mùi thơm của vừng, chút béo của dừa, tất cả hòa quyện lại tạo thành vị ngon ngọt lành. 
(Sưu tầm)
Click để xem thêm: khách sạn tại Sa Pa
Các điểm tham quan khác

Hỗ trợ khách hàng

Mr Thai   Qui Nguyen Skype
Đặt Tour Trợ giúp khách hàng Skype
Hotline: 0964 267 569
Cố Định: 02143 771 535

Kiểm tra giá và phòng trống

calendar