CÁC ĐIỂM THAM QUAN
Khám phá Cao Sơn, Lào Cai
Một thoáng cảm nhận về Cao Sơn không đủ để lột tả hết vẻ đẹp như trong huyền thoại về mảnh đất, con người nơi đây, nhưng đã để lại trong lòng ai đó ấn tượng đẹp, và mong có ngày trở lại.
Cao Sơn nằm trong cao nguyên cổ, cách thị trấn huyện lỵ Mường Khương, Lào Cai 25km, địa hình chủ yếu là đồi núi với khí hậu trung bình 15 – 18°C. Ở độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ. Đến Cao Sơn, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ, không gian thoáng đãng, yên tĩnh, thơ mộng. Không khí mát lạnh giữa mùa hè oi bức làm cho ai cũng nghĩ mình đang ở xứ sở trời Âu chứ không phải Việt Nam.
Đường lên Cao Sơn
Cao Sơn nằm trong cao nguyên cổ, cách thị trấn huyện lỵ Mường Khương, Lào Cai 25km, địa hình chủ yếu là đồi núi với khí hậu trung bình 15-18oC. Ở độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ. Những bản làng người Mông, Dao, Phù Lá, Tu Dí... nằm lọt thỏm giữa các thung lũng, chênh vênh trên các triền núi cao. Hơn 100 năm về trước, người Pháp đã đặt chân đến vùng đất này (dấu tích còn để lại là đồi người Pháp ở La Pán Tẩn cách Cao Sơn 8 cây số) và họ định chọn nơi đây làm khu du lịch nghỉ dưỡng cùng với Sa Pa. Dải đất cao nguyên này còn bảo tồn được nhiều rừng già với các loại cây gỗ, cây thuốc quý. Sự đa dạng sinh học cùng với sự phân bố phong phú hệ thống hang động sông suối đã tạo cho Cao Sơn một vẻ đẹp thiên nhiên say đắm.
Đường về Nghĩa Đô
Khám phá Cao Sơn thật thú vị khi được tham gia phiên chợ Lùng Khấu Nhin, vẫn còn giữ nguyên bản sắc văn hoá của chợ phiên vùng cao. Hoà vào dòng người đi chợ, mua bán, gặp gỡ chuyện trò, ánh mắt nhìn thân thiện. Những sản vật địa phương, vải rừng, đậu cô ve, rau cải mèo, cứ từng gùi từng gùi về chợ… Nhìn những hàng rau được gọi là “siêu sạch” bởi người vùng cao chỉ trồng chay thôi làm gì có thâm canh, có phun thuốc trừ sâu hay thuốc bảo quản gì. Bạn có thể mua những đặc sản mang thương hiệu “Mường Khương” về làm quà như: lạp xường, thịt treo, đậu xị, tương ớt hay gạo Séng Cù...
Những hàng dưa chuột vàng Mường Khương, vỏ đỏ màu cam, có người còn gọi đó là giống dưa lửa. Chẳng cân đo như ở chợ miền xuôi, đồ ăn thức uống ở đây cứ bán vo, bán quạ như vậy. Những du khách đến từ trời Âu thì tha hồ trầm trồ trước những trang phục của dân tộc Mông, Nùng, Dao… Họ tha hồ thăm thú, ghi vào kỷ niệm những bức ảnh, những thước phim để mang về quê hương.
Tiếp tục vượt qua những con đường ngoằn ngoèo, vắt vẻo lưng chừng núi, xen giữa bạt ngàn ngô, khi thì đi giữa những hàng sa mộc thẳng tắp. Càng lên cao bầu trời như rộng và xanh hơn. Du khách mải mê ngắm nhìn trên những tràn ruộng bậc thang đồng bào vùng cao đang khẩn trương bước vào sản xuất vụ mùa. Những con trâu cần mẫn bừa nốt những đường bừa cuối cùng, những phụ nữ dân tộc thiểu số váy áo sặc sỡ đang nhổ mạ để chuẩn bị cấy lúa. Ai ai cũng tràn đầy niềm tin vào một vụ mùa mới của sự no ấm đủ đầy.
Bỏ lại sau lưng ôn ào phố thị, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Cao Sơn. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, giữa một không gian khoáng đạt của núi rừng, những bạt ngàn sa mộc và những nương ngô mọc chen đá núi, cảm giác của ngột ngạt mùa hè biến mất, nhường chỗ cho sự bình yên, mát dịu đến tê người. Xuống xe, sau màn thủ tục chào hỏi, chúng tôi dừng chân nghỉ lại nhà sàn.
Du khách có thể khám phá Cao Sơn bằng hai cách. Một là đi theo đường bộ từ thành phố Lào Cai đến Mường Khương rồi đi Cao Sơn. Hai là đi theo tuyến du lịch đường sông Bảo Nhai - Cốc Ly, khám phá đôi bờ sông Chảy. Mỗi hành trình có những nét độc đáo riêng, du khách có thể lựa chọn cách khám phá Cao Sơn bằng hành trình của riêng mình.
Nhà sàn Cao Sơn điểm dừng chân lý thú
Vị trí Cao Sơn được một số công ty du lịch chọn làm điểm khai thác các tua đi Bắc Hà và Sa Pa. Nó độc đáo ở cảnh sắc vùng cao, chợ phiên và sắc màu văn hoá của đồng bào các dân tộc nơi đây. Trong hành trình đến Cao Sơn, thường cho những tua đi vào đầu tuần vì ở tuyến này có rất nhiều chợ phiên vùng cao. Chợ Lùng Khấu Nhin vào thứ 5, chợ Cao Sơn vào ngày thứ 4. Nếu đi theo tuyến Bảo Nhai – Cốc Ly, sau khi tham gia chợ phiên Cốc Ly (vào thứ 3 hàng tuần). Nếu đi Sa Pa rồi qua Lào Cai đi Cao Sơn sẽ qua 2 phiên chợ Lùng Khấu Nhin, và chợ Cao Sơn. Đến Cao Sơn ngoài nghỉ dưỡng, ăn uống thăm thú cảnh sắc, du khách sẽ được tham gia tua du lịch khám phá làng bản văn hoá. Với “tracking tour” khách du lịch sẽ được tản bộ thăm thú những bản định cư của người Mông với những nếp nhà độc đáo, tìm hiểu đời sống sinh hoạt thường ngày và những nét văn hoá riêng có của những tộc người vùng cao Mường Khương. Du khách có thể đi bộ vào bản Ngải Phóng Chồ thăm kiến trúc độc đáo của những nếp nhà trình tường đất, những chiếc sào phơi váy Mông sặc sỡ, xoè ô, những chiếc cối xay ngô đơn sơ đậm vẻ hoang sơ như tô thêm vẻ đẹp riêng có của Cao Sơn.
Đoàn du khách quốc tế đến nghỉ dưỡng tại Cao Sơn
Một du khách trong đoàn khách Autralia cho biết, Sa Pa thì bà đã đến một vài lần rồi, nhưng đây là lần đầu tiên bà cùng những người bạn trong đoàn đến Cao Sơn. Phong cảnh đẹp, thời tiết dễ chịu. Đồ ăn ngon và tươi, sạch. Cao Sơn là một địa chỉ thú vị. Bà còn rất thích thú khi được tham dự chợ phiên vùng cao trong chuyến du lịch này. Lần sau bà sẽ đến Cao Sơn và giới thiệu cho bạn bè cùng đến.
Một thoáng cảm nhận về Cao Sơn không đủ để lột tả hết vẻ đẹp như trong huyền thoại về mảnh đất, con người nơi đây, nhưng đã để lại trong lòng ai đó ấn tượng đẹp, và mong có ngày trở lại.
Lê Thanh Cường
(Làng Việt)
Các điểm tham quan khác
- Ngắm Sa Pa từ đỉnh Hàm Rồng (28/08)
- Ruộng bậc thang Sa Pa là 1 trong 5 địa danh du (28/08)
- Ba danh thắng ở Sa Pa được đề cử kỷ lục Việt (28/08)
- hang động Tiên Sơn ở Lai Châu (28/08)
- Phiên chợ vùng cao: Cao Sơn (28/08)
- Phiên chợ vùng cao: Cán Cấu (28/08)
- Chợ phiên vùng cao: Mường Hum (28/08)
- Chợ phiên vùng cao: Y Tý (28/08)
- Chợ phiên vùng cao: Cốc Ly (28/08)
- Chợ phiên vùng cao: Bắc Hà (28/08)
Các điểm tham quan khác
Kiểm tra giá và phòng trống